Cổ phiếu FPT ‘xanh’ sau khi SCIC công bố kế hoạch thoái vốn

Mã FPT ghi nhận giá tăng 3% và được sang tay hơn 150 tỷ đồng trong phiên giao dịch thứ Hai, nhiều gấp 5 lần so phiên gần nhất. 

Sàn chứng khoán chiều 25/6 chứng kiến phiên giao dịch “trở mình” của FPT sau khi SCIC công bố danh sách thoái vốn. Không ‘xanh ngát’ từ khi mở sàn, điểm thú vị là giao dịch của FPT tăng tốc từ sau 14h. Mã chứng khoán nhà F trước đó hầu như chỉ đi ngang quanh vùng tham chiếu nhưng sau đó đã dễ dàng vươn lên mức giá cao. 

Diễn biến cổ phiếu FPT trong hơn 2 tháng qua.
Diễn biến cổ phiếu FPT trong hơn 2 tháng qua.

Đóng cửa, FPT tăng 3% lên 46.500 đồng/cổ phiếu, gần sát mức giá cao nhất phiên là 46.550 đồng. Phiên đầu tuần cũng chứng kiến lượng cổ phiếu FPT giao dịch lớn với hơn 3,2 triệu đơn vị, trị giá hơn 150 tỷ đồng. Trong 2 phiên gần nhất, số cổ phiếu sang tay chỉ dao động 700.000-800.000 đơn vị.

Trải qua hơn 100 phiên giao dịch từ đầu năm, tăng 3% là mức cao thứ 2 của FPT, sau phiên tăng 4,49% ngày 12/3.

Trong khi đó, phiên giao dịch 25/6 khép lại với sắc đỏ bao trùm thị trường. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 2,72 điểm (0,28%) xuống 960,13 điểm; HNX-Index giảm 0,6% xuống 104,15 điểm và chỉ có Upcom-Index tăng nhẹ 0,09% lên 55,2 điểm.

Sau 2 năm lỡ hẹn, mới đây SCIC lại lên kế hoạch bán vốn tại FPT. Nếu thoái vốn thành công, SCIC sẽ thu về hơn 1.800 tỷ đồng tính theo thời giá hiện tại. Theo đó, ngày 24/6, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố danh sách doanh nghiệp dự kiến bán vốn năm 2019. Danh sách này gồm 108 doanh nghiệp, trong đó một số cái tên nổi bật như: FPT (SCIC đang giữ 6% vốn điều lệ), Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (51%), Tập đoàn Bảo Việt (3%)… 

Bên cạnh danh sách dự kiến bán vốn năm 2019, SCIC cũng công bố một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2019. Theo đó, “siêu doanh nghiệp” này đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 6.499 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.023 tỷ đồng.

Trong hơn 3 năm qua, thoái vốn FPT được SCIC đặt ra vài lần nhưng chưa thực hiện. Cách đây hơn 1 năm (ngày 7/5/2018), SCIC thông báo kế hoạch thoái vốn tại FPT trong năm 2018. Tuy nhiên, hạn này đã trôi qua mà không có hoạt động nào được triển khai.

SCIC đang sở hữu 6% FPT, tương đương hơn 40 triệu cổ phiếu. Với mức giá hơn 45.000 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 24/6), lượng sở hữu này trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.

Đại diện SCIC trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước. Chia sẻ bên lề ĐHCĐ thường niên FPT các năm qua, ông Lai đều khẳng định: ‘Tôi mong muốn đồng hành lâu dài với FPT’.

Năm 2018, doanh thu của tập đoàn công nghệ thông tin số 1 Việt Nam đạt 23.214 tỷ đồng, tăng 17,4%. Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt 37,8%, tăng mạnh do không còn hợp nhất kết quả từ mảng bán lẻ. Sau khi tái cơ cấu, FPT tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là công nghệ thông tin, viễn thông và giáo dục. Mảng công nghệ giữ vai trò dẫn dắt trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn khi đem về doanh thu 13.402 tỉ đồng, chiếm hơn 57%.

Kết thúc 5 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT tăng trưởng 20,2% và 22,1% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 9.961 tỷ đồng và 1.719 tỷ đồng, tương đương 103% và 112% kế hoạch lũy kế.

Tham khảo khuyến mại FPT Telecom toàn quốc

Miền Bắc  Miền Trung Miền Nam

Theo Chungta.vn

Mời đánh giá

Gửi phản hồi

Contact Me on Zalo
0931 523 668